Chứng khoán tháng 11 - kỳ vọng màu xanh

Bài viết này phân tích giao dịch thị trường trong tháng 10, và phác họa bức tranh chứng khoán Việt Nam trong tháng 11.

Bài viết này phân tích giao dịch thị trường trong tháng 10, và phác họa bức tranh chứng khoán Việt Nam trong tháng 11.

Tháng 10 - khối ngoại bung hàng, cổ phiếu dầu khí bị bán mạnh

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong tháng 10 chứng kiến một sự điều chỉnh nhẹ trên cả hai sàn: VN-Index mở cửa tháng ở 603,5 điểm, đóng cửa ở 600,84 điểm, giảm 2,66 điểm; và HNX mở cửa tháng ở 88,63 điểm, đóng cửa ở 88,03 điểm, giảm 0,6 điểm. Sự lình xình tăng, giảm đan xen của thị trường trong tháng 10, thậm chí có cả những phiên giảm mạnh, có thể được lý giải từ một số nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, lực bán từ khối ngoại rất mạnh. Tính riêng từ tháng 8 đến tháng 10, khối ngoại đã ròng rã bán ròng hơn 3.000 tỉ. Đây có thể được xem là chuỗi bán ròng lâu nhất, mạnh nhất, và có mức bán ròng tăng dần theo tháng (tháng 10 có giá trị bán ròng cao nhất, hơn 1.000 tỉ đồng) của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam.

Sự bán ròng này xuất phát từ nhiều lý do: (1) một số quỹ đang trong quá trình phải thoái vốn để đóng quỹ, nên họ bán dàn trải hoặc luân phiên bán ở nhiều mã cổ phiếu khác nhau trong danh mục; (2) một số quỹ chốt lời sau khoảng thời gian chứng khoán tăng điểm khá dài, đặc biệt là sau đợt mua ròng “bắt đáy” vào tháng 5 từ sự kiện biển Đông; (3) ảnh hưởng từ tài chính thế giới, đặc biệt là từ Mỹ khi gói QE3 được dự đoán là kết thúc vào tháng 10 và lãi suất có thể tăng sớm hơn dự kiến, nên dòng vốn dịch chuyển một phần ra khỏi các thị trường mới nổi và thị trường biên, trong đó có Việt Nam.

Thứ hai, nhóm dầu khí - dòng cổ phiếu dẫn dắt - bị chốt lời mạnh. Có thể dễ nhận thấy là trong năm nay, đặc biệt là từ tháng 5 trở đi, vai trò dẫn dắt thị trường của nhóm cổ phiếu dầu khí khá rõ rệt.

Tuy nhiên, khi thông tin về việc thanh tra Petro Vietnam xuất hiện vào đầu tháng 10, thì giới đầu tư (đặc biệt là đầu cơ) đã có một sự e ngại nhất định đối với nhóm cổ phiếu dầu khí và đẩy mạnh bán ra, mặc dù nội dung thanh tra chỉ tập trung ở hoạt động đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học có vốn góp của tập đoàn và các đơn vị thành viên.

Thêm vào đó, đến giữa tháng 10, việc giá dầu thế giới giảm mạnh đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư do họ suy luận sự sụt giảm của giá dầu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dầu khí.

Thứ ba, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết không đóng góp nhiều cho tâm lý và kỳ vọng của nhà đầu tư. Thông thường, do các báo cáo tài chính quí 3 không qua kiểm toán chính thức, nên so với các quí khác trong năm, kết quả quí 3 ở các doanh nghiệp thường kém tích cực hơn. Do đó, thông tin kết quả kinh doanh mang tính “tập quán” này không đủ sức hấp dẫn dòng tiền đổ mạnh vào thị trường.

Thứ tư, sự việc mang tên “Hà Văn Thắm”. Trước khi bị bắt, ông Thắm giữ vai trò Chủ tịch tập đoàn Đại Dương (OGC), Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) và Chủ tịch Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH). Việc ông Thắm bị bắt đã tác động đến tâm lý thị trường vốn đã không vững trong hai tuần cuối của tháng 10, trong đó, đặc biệt phải kể đến việc nhiều phiên liên tiếp cổ phiếu OGC bị bán tháo mạnh trước và sau ngày ông Thắm bị bắt.

Ngoài ra, đòn bẩy từ sử dụng margin cũng là một yếu tố khác khiến giới đầu tư lo ngại khi từ đầu giữa tháng 10 nhiều thông tin về tình trạng “căng” margin ở các công ty chứng khoán bắt đầu xuất hiện, đặc biệt là ở những công ty nhỏ. Với một thị trường có đặc tính đầu cơ khá cao, khi thị trường suy giảm liên tiếp hoặc giảm mạnh, thì margin luôn trở thành vấn đề khá nhạy cảm, lực bán có thể xuất hiện mạnh và nhanh nhằm thu hồi lượng tiền vay nợ để tránh rủi ro.

Kỳ vọng tháng 11 -  màu xanh trở lại...

Một kịch bản tích cực hơn so với tháng 10 hiện đang được kỳ vọng cho tháng 11. Trước mắt, nhiều khả năng thị trường sẽ kiểm định lại mốc 615 ± 3 trên HSX và 90 ±1 trên HNX. Các yếu tố hỗ trợ cho kịch bản này bao gồm:

Một là, về tình hình thế giới, có hai sự kiện đáng chú ý từ Nhật và châu Âu. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã bất ngờ tăng cung tiền từ 50.000 tỉ yen lên gần 80.000 tỉ yen (khoảng 727 tỉ đô la Mỹ)/năm trong bối cảnh kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại.

Trước đó, tại châu Âu, ECB cũng bắt đầu mua các khoản nợ của khu vực tư nhân theo một chương trình mua tài sản mới (trái phiếu có đảm bảo). Đây được xem là một phần trong nỗ lực tăng nguồn tài sản của ECB và bơm nguồn tiền vào nền kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhằm thúc đẩy lạm phát và phục hồi kinh tế khu vực.

Nhìn tổng thể, hai động thái trên của Nhật và ECB sẽ là động lực giúp giảm bớt áp lực dòng tiền rút khỏi các thị trường mới nổi và thị trường biên xảy ra trong nhiều tuần qua (trong đó có Việt Nam), thậm chí có thể đảo chiều xuất hiện luồng tiền chảy vào chứng khoán.

Hai là, kinh tế vĩ mô trong nước đã có những cải thiện đáng kể, hỗ trợ tích cực cho chứng khoán, đặc biệt là lạm phát thấp và lãi suất được điều chỉnh giảm. Lãi suất giảm sẽ khiến kênh tiết kiệm càng trở nên kém hấp dẫn hơn so với kênh đầu tư cổ phiếu.

Ba là, việc hàng loạt vụ bê bối liên quan đến các ngân hàng lần lượt được đưa ra ánh sáng là yếu tố tích cực nếu xét trên quan điểm lợi ích của cả nền kinh tế nói chung và của ngành tài chính ngân hàng nói riêng, cũng như lợi ích đối với nhiều ngành liên quan khác (như bất động sản...). Và nếu đứng trên góc nhìn này, thì giới đầu tư, đặc biệt là khối nội, sẽ đến lúc “quen” dần, thậm chí “chai lì” với những biến cố đại loại như sự kiện ông Hà Văn Thắm vừa rồi. Đây chính là biểu hiện của tâm lý ngày càng ổn định và vững vàng của nhà đầu tư.

Bốn là, về nguồn margin. Các ngân hàng hiện có thanh khoản dư thừa và có nguồn tiền dồi dào. Một số thông tin cho thấy lượng vốn cho vay tăng thêm trên mức ký quỹ tăng cũng chỉ ra rằng nguồn tín dụng cho các công ty chứng khoán đã thông thoáng hơn so với các doanh nghiệp khác. Đây là điều kiện tốt để giữ vững khối lượng giao dịch và xu hướng tăng của thị trường. Hơn nữa, việc giá cổ phiếu sụt giảm mạnh và liên tục những tuần vừa qua có thể sẽ kích thích dòng tiền đầu cơ trở lại, đặc biệt là sau khi trạng thái margin đã hạ về vùng an toàn.

Năm là, về kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết. Sau mùa công bố báo cáo quí 3, phần lớn mang tính “cho đủ lệ” là chính, các doanh nghiệp niêm yết sẽ chạy đua với thời gian để “gút” những số liệu “đẹp” cho báo cáo quí 4 và hợp nhất cả năm. Mặc dù chưa kết thúc năm, nhưng khá nhiều thông tin liên quan đến kết quả năm của các doanh nghiệp đã được giới đầu tư tính toán, dự báo và loan truyền rộng. Chính vì vậy, việc đón đầu mua trước những cổ phiếu tiềm năng hoặc có thể có kết quả kinh doanh tốt hay đột biến nhiều khả năng sẽ được khởi động ngay từ tháng 11 này.

Sáu là, kể từ ngày 20-10 đến nay vị thế bán ròng của nước ngoài đã giảm khá mạnh. Thậm chí, tính đến phiên ngày 3-11-2014, họ đã quay trở lại mua ròng mạnh bảy phiên liên tiếp. Đây được xem là tín hiệu tốt.

Ngoài các yếu tố trên, còn có khá nhiều khía cạnh khác hiện đang ủng hộ cho chứng khoán. Chẳng hạn như, giá của khá nhiều cổ phiếu sau đợt điều chỉnh vừa qua đã trở về vùng hấp dẫn; hai tháng cuối năm là giai đoạn “chạy nước rút” IPO của nhiều tập đoàn kinh tế lớn, điều này sẽ thu hút dòng tiền mới và tiền ngoại đổ vào TTCK Việt Nam; giá dầu giảm và giá hàng hóa nông sản giảm cũng là những hỗ trợ tốt cho sản xuất trong nước...

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng có một số vấn đề có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, đó là: hiện nay tổng cầu của nền kinh tế vẫn rất yếu. Vì vậy, mặc dù lãi suất giảm, nhưng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp để mở rộng sản xuất kinh doanh vẫn chưa cao.

Với bên ngoài, một rủi ro khá lớn khác có thể gián tiếp tác động đến dòng tiền vào chứng khoán Việt Nam, đó là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có khả năng sẽ nâng lãi suất sớm hơn dự kiến và chứng khoán Mỹ đang ở vùng cao nhất trong lịch sử.

                                                                                                                                  Theo TBKTSG

Bài viết khác

Tìm kiếm bất đống sản

Dự án nổi bật

Copyright © 2010 nhadatmuaban.net - Allright Reserved | Công ty cổ phần phát triển nhà đất
Điện thoại : 0942884288 | Email : info@nhadatmuaban.net - Website : nhadatmuaban.net